Thời tiết rét đậm rét hại cần làm gì, ăn gì để giữ gìn sức khỏe? |
Nhiệt độ xuống quá thấp cộng với luồng không khí lạnh tăng cường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, như: Viêm mũi - họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở trẻ nhỏ và người già.
Bên cạnh đó, cơ thể con người chống lại lạnh nhờ cơ chế tự điều hòa thân nhiệt. Cơ chế này được thực hiện bởi hệ thống thần kinh, nội tiết, tim mạch và hô hấp để giữ cho nhiệt độ ổn định ở mức 37 độ C. Tuy nhiên, những người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch, như: Rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt; tê cóng, bệnh xương khớp... Trong đó, hạ thân nhiệt là biến chứng nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng xấu tới não bộ và có thể tử vong, thường gặp ở người già, trẻ em, người làm việc quá lâu ở ngoài trời lạnh…
Trời rét còn gây cước chân tay. Trường hợp cước nặng, cơ quan bị tổn thương có thể bị mất cảm giác kéo dài hoặc suốt đời, thậm chí dẫn đến hoại thư và có thể phải cắt cụt.
Theo lời khuyên của chuyên gia, để đảm bảo sức khỏe, mọi người cần hạn chế đi ra ngoài trời khi nền nhiệt thấp, nhất là trong những ngày trời rét đậm, rét hại. Đối với người già và trẻ nhỏ nên ở trong phòng kín có điều hòa 2 chiều hoặc đèn sưởi, tránh những nơi có gió lùa. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đi găng tay, tất, đội mũ, quàng khăn, đeo khẩu trang..., trong đó phải chú ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột. Nếu trời mưa hoặc có tuyết, nên mặc quần áo không thấm nước; cởi bỏ quần áo hoặc giày dép bị ướt càng sớm càng tốt.
Không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc khi trời quá lạnh. Không nên dậy vào 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ.
Không nên uống rượu khi ở ngoài trời lạnh vì rượu gây mất nhiệt nhanh dẫn đến hạ thân nhiệt. Tăng cường ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Với trẻ nhỏ, khi trời giá rét cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, nhất là ban đêm; nếu cần đắp thêm chăn cho trẻ, nhưng không nên quấn quá chặt khiến trẻ khó thở. Khi trẻ chơi đùa toát mồ hôi cần cởi bớt áo hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi để tránh mồ hôi gặp gió lạnh sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi…
Với người già trong những ngày trời rét không nên dậy quá sớm, vẫn tập thể dục đều đặn như tập dưỡng sinh, đi bộ…, tuy nhiên trong những ngày trời rét đậm, rét hại thì không nên tập thể dục ngoài trời mà nên tập trong phòng hoặc ở nơi kín gió. Khi bệnh nhân bị bệnh hô hấp, hạ thân nhiệt, cước chân tay hoặc có dấu hiệu đột quỵ nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Cần đặc biệt lưu ý không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín vì ngộ độc khí CO.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa, có tác dụng làm tăng sức đề kháng, bảo vệ thành mạch và hỗ trợ hấp thu sắt, canxi. Khi thiếu vitamin C, da sẽ bị khô, dễ bị xuất huyết dưới da (da dễ bị bầm tím khi va chạm nhẹ), chảy máu cam, chảy máu nướu răng, vết thương chậm lành. Chính vì vậy, để tăng cường khả năng miễn dịch, phòng tránh nguy cơ nhiễm virus do cảm lạnh, chúng ta cần tăng cường vitamin C.
Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng trong huyết tương, trong các dịch ngoài tế bào khác và trong các tế bào. Thực phẩm giàu vitamin C là những thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật, đặc biệt gan và thận được xem là có nguồn vitamin C đáng kể.
Trong hoa quả, nhất là cam, chanh, bưởi, quýt chứa nhiều vitamin C và bioflavonoids, giúp chống cảm cúm, cảm lạnh hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý vitamin C bị mất rất nhiều trong quá trình bảo quản, chế biến.
Thực phẩm giàu canxi
Khi thời tiết lạnh nhiệt độ thấp rất dễ gây nên những cơn chuột rút ở chân, để phòng tránh hiện tượng này, cần tăng cường các thực phẩm giàu canxi (giúp đảm bảo tốt sự dẫn truyền các xung động thần kinh, dự phòng một cách hiệu quả nguy cơ chuột rút trong mùa Đông). Có thể bổ sung nguồn canxi trong các thực phẩm như sữa và chế phẩm như sữa tươi, sữa chua, phomai, sữa đậu nành. Một số loại ngũ cốc và hạt đậu cũng có lượng canxi cao nhưng hấp thu kém hơn sữa. Canxi có thể tìm thấy trong thịt, cá, tôm, cua. Ở một số trường hợp như phụ nữ mang thai, người sau ốm, trẻ nhỏ cần bổ sung canxi theo đường uống cần tuân thủ theo đơn của bác sĩ.
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng nâng cao thể trạng cần ăn thức ăn ấm nóng, gia vị như tỏi, gừng; các loại rau mầm và uống đủ nước rất tốt cho cơ thể.
Tác giả: THCS Phú La
Nguồn tin: thoidai.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Danh mục 34 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia
Thời gian đăng: 02/05/2024
Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT Hướng dẫn xây dựng THAT-PCTNTT
Thời gian đăng: 16/05/2024
NĐ/48/2023/NĐ-CP v/v sửa đổi, bố sung một số điều của NĐ số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại CB,CC,VC.
Thời gian đăng: 02/08/2023
KH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GDPL GIAI ĐOẠN 2023-2027 CỦA NGÀNH GDĐT QUẬN HÀ ĐÔNG
Thời gian đăng: 09/06/2023
KH triển khai thực hiện mô hình "Mái trường an toàn" ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông năm 2023
Thời gian đăng: 24/04/2023