THCS Phú La

https://thcs-phula.edu.vn


Vì sao khó lần ra kẻ lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu cho con'?

Vì sao khó lần ra kẻ lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu cho con'?
Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm thông báo thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh.

       Trước tình trạng nhiều người bị lừa đảo thông qua việc “chuyển tiền để cấp cứu cho con”, các chuyên gia cho rằng, việc truy ra đối tượng lừa đảo thông qua số điện thoại hay thẻ ngân hàng là rất khó.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm.

Chiêu lừa mới đánh vào tâm lý người dân

          Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm thông báo thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh. Nội dung văn bản này, Bộ GD&ĐT cho biết qua thông tin từ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TPHCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền 825 triệu đồng.

         Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh giáo viên thể dục, nhân viên y tế nơi học sinh đang học gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về việc con bị té ngã khi hoạt động thể dục, con bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền để mổ gấp.

          Đối tượng tạo sự tin tưởng bằng cách thông tin chính xác về tên, tuổi của học sinh, phụ huynh sau đó chuyển điện thoại cho nạn nhân đến người tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện để trao đổi, thông tin về tình trạng bệnh kèm yêu cầu chuyển tiền để mổ cấp cứu gấp.

         Do tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh học sinh không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Vụ việc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, sinh viên về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong các nhà trường và cơ sở giáo dục.

          Khởi phát từ TPHCM, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội), cơ quan công an đã ghi nhận các thông tin trình báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn như trên.

         Mới đây nhất, vào ngày 14/3, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo lừa đảo của chị V.T.H. (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, khi đang làm việc tại một công ty nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, chị H. nhận được điện thoại của một người tự xưng là giáo viên đang công tác tại ngôi trường nơi con chị theo học.

         Qua trao đổi, đối tượng thông báo con chị bị ngã từ tầng 3 của trường và hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, đối tượng đã nối máy để chị H. nói chuyện với một đối tượng khác tự xưng là bác sĩ. Đối tượng này thông báo tình hình sức khỏe của con chị H. và yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật gấp.

         Chị H. sau đó đã 2 lần chuyển vào số tài khoản do đối tượng cung cấp tổng số tiền là 200 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị H. đã liên lạc với nhà trường và biết bản thân bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

          Trong diễn biến mới nhất, Công an quận Nam Từ Liêm đã công khai 2 số tài khoản ngân hàng có liên quan đến hành vi lừa đảo nói trên gồm: 0823763009 Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chủ tài khoản Trịnh Công Bạc và 0927680306 Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chủ tài khoản Trần Quang Vinh. Đây được cơ quan công an cho biết là các số điện thoại đối tượng gửi cho nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào.

        Vì sao khó truy đối tượng qua số điện thoại, thẻ ngân hàng?

        Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: “Vì sao đã có thông tin về số điện thoại và số tài khoản ngân hàng nhưng cơ quan công an vẫn chưa tìm ra được tung tích của kẻ lừa đảo”? Họ cho rằng, căn cứ vào số tài khoản ngân hàng là có thể dễ dàng truy ra chủ tài khoản, thông tin cá nhân của người đứng sau.

          Xoay quanh thắc mắc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm, nhấn mạnh: “Không có đối tượng nào sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội”.

           Về điện thoại để liên lạc, Thượng tá Hiếu cho biết, các đối tượng có thể thực hiện qua mạng Internet và các phần mềm giả lập số điện thoại. Với cách thức này, các đối tượng có thể giả lập được bất cứ số điện thoại nào. Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng các ứng dụng giả giọng nói để nạn nhân tin tưởng.

        Với tài khoản ngân hàng, Thượng tá Hiếu cho hay, hiện nay việc mua bán dữ liệu tài khoản diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm CMND/CCCD đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình.

       Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.

       “Có những vụ án, chúng tôi đã từng nhiều lần truy theo dòng tiền, tìm ra được chủ tài khoản, nhưng kết quả cho thấy người này không liên quan gì đến vụ án. Họ thừa nhận số tài khoản đó là của mình nhưng đã bán cho người khác từ lâu. Việc mua bán diễn ra qua khâu trung gian nên người bán và người mua không hề biết mặt nhau”, Thượng tá Hiếu chia sẻ.

        Từng có nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thương tá Hiếu cho biết thêm, sau khi nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản chỉ định, đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục chuyển qua các kênh trung gian như ví điện tử, từ đó thực hiện các lệnh mua bán tiền ảo, từ đó việc truy vết đối tượng theo dòng tiền sẽ càng thêm khó khăn.

         Đồng tình với ý kiến của Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC - chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam) cho rằng, hiện nay, việc sở hữu một tài khoản của người khác sau đó thực hiện các hành vi lừa đảo thông qua tài khoản này không phải chuyện khó.

Ông Ngô Minh Hiếu (chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam).

         Rất nhiều thông tin đăng tải trên mạng xã hội thu mua lại các tài khoản thẻ ngân hàng với số tiền lớn. Người bán thấy có người mua với giá cao nên cũng đồng ý giao dịch mà không hề biết rằng những tài khoản thẻ này sẽ được các đối tượng sử dụng vào mục đích gì.

         Sau khi thực hiện các hành vi lừa đảo, các đối tượng thường dùng chính tài khoản này để luân chuyển dòng tiền qua các kênh trung gian hoặc sử dụng để mua bán. Từ đó, quá trình điều tra, xác định danh tính của đối tượng lừa đảo thông qua tài khoản thẻ sẽ rất khó khăn.

         Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho rằng, để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, người dân cần bình tĩnh và sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện và trường mà con đang học.

        Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

        “Bên cạnh đó, người dân cũng nên cập nhật thông tin, kiến thức cần thiết về các dấu hiệu lừa đảo và cách phòng tránh thông qua trang website “chongluadao.vn” của Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam để nắm bắt và biết cách đối phó với các trường hợp tương tự”, ông Hiếu khuyến cáo.

Tác giả: THCS Phú La

Nguồn tin: baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây